Quá trình hình thành Trực thăng vận

Chiến thuật trực thăng vận được sử dụng lần đầu bởi Biệt đội 57 của quân Mỹ. Ngày 5 tháng 7 năm 1961, tại căn cứ không quân Kadena đặt trên đảo Okinawa theo đề xuất của Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MACV) tại miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã thành lập "Biệt đội 57 vận tải chiến thuật" với 15 máy bay trực thăng UH-1A. Quan điểm "nhanh chóng phát triển hình thái tác chiến bằng trực thăng" của Paul D. Harkins được sự ủng hộ nhiệt liệt của tướng William Childs Westmoreland.[1]

Đến tháng 8-1964, Westmoreland thay Paul D. Harkins, trở thành Tư lệnh MACV, quân hàm Đại tướng. Trong một báo cáo gửi Bộ Quốc phòng Mỹ, Paul D. Harkins nhận định địa hình miền Nam Việt Nam và những hình thức mà Quân Giải phóng tiến hành chiến tranh du kích, hoàn toàn phù hợp với chiến thuật trực thăng vận, ông đề xuất Lầu Năm Góc chấp thuận cho thành lập một đơn vị thí điểm chiến thuật này.

Biệt đội 57 ra đời, trang bị loại UH-1A Iroquois, bay lần đầu vào tháng 3-1960. Được trang bị một động cơ piston công suất 670 mã lực, tốc độ tối đa 198 km/giờ, bay cao tối đa 3.600 mét, hoạt động trong phạm vi 450 km, UH-1A có thể chở được 10 lính. Quân đội Mỹ xây dựng một phương án chuẩn trong việc sử dụng máy bay UH-1A phục vụ chiến thuật "trực thăng vận": mỗi phi vụ đổ quân có 1 trực thăng chỉ huy và tùy theo số lượng binh lính tham gia, có thể có từ 10 đến 50 chiếc UH-1A chở lính, 5 hoặc 15 trực thăng vũ trang UH-1A bay theo yểm trợ. Ngoài ra còn có vài chiếc UH khác làm nhiệm vụ cấp cứu, tải thương. Đến năm 1964, quân Mỹ được bổ sung thêm loại UH-1B rồi sau đó là UH-1D, mỗi chiếc chở được 12 lính hoặc 6 cáng cứu thương, tốc độ bay tăng lên 215 km/giờ. Từ đó cho đến giữa năm 1972, vào những lúc cao điểm, có hơn 3.900 trực thăng Mỹ hoạt động ở chiến trường Việt Nam, 2/3 trong số đó là UH-1B và UH-1D.[2].